Kiêu Kỵ – Làng DÁT VÀNG

Làm sao mà người xưa có thể xây cả cung đình hay đúc ra tượng này tượng kia, trang trí câu đối, hoành phi bằng vàng hết nhỉ? Lấy đâu ra một lượng vàng khổng lồ như vậy chứ? Ấy, bạn không phải lo, nghề dát vàng ra đời đã khiến chuyện này dễ dàng hơn nhiều. Người ta chỉ cần dùng một lượng vàng ít ỏi đã có thể làm những vật bình thường trở nên sang trọng, óng ánh sắc vàng rồi đấy. Và Kiêu Kỵ, một làng cổ nhỏ ven sông Hồng, thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội là một làng nghề nổi tiếng bậc nhất nước ta với nghề dát vàng quỳ đấy bạn ạ.

Tương truyền rằng, đời hậu Lê có một vị quan tên Nguyễn Quý Trị, khi được cử đi sứ sang Trung Quốc, thấy nghề dát vàng thành từng miếng mỏng hơn tờ giấy nên đã “học lỏm” về truyển lại cho dân làng mình là Kiêu Kỵ.

Bạn có muốn biết họ đã làm như thế nào không nè? Để tạo ra quỳ vàng thì phải trải qua nhiều công đoạn rắc rối và phức tạp lắm bạn à!

1. Chế biến mực:

Đem bồ hóng (từ khói nhựa thông và mùn cưa) nhào với keo da trâu, đun sôi lên, cô đặc rồi cho vào cối giã thành đến lúc nào quánh lại thành một thứ keo đen. Tiếp tục cho keo da trâu vào nhào cho đến khi ra một chất lỏng màu đen sẫm đặc sánh là chúng ta đã có mực rồi đấy.

2. Làm giấy quỳ:

Giấy đó mua về, chia thành từng miếng vuông (hồi xưa là hình chữ nhật cơ), sau đó xếp thành từng xấp 500 lá đem đi ngâm nước, ép khô, đập rồi bóc gỡ. Cứ như vậy khoảng 5 lần liên tiếp thì sẽ cho ra được giấy quỳ thật mỏng và thật dai.

3. Lướt mực lên giấy quỳ:

Lấy chổi nhỏ quét đều mực lên cả hai mặt của từng tờ giấy, đặt chúng lên lá phơi thật khô, rồi xếp chúng vào từng bó 500 lá để đem đi đập tiếp, đập xong lại tách từng tờ ra để quét mực và phơi khô. Phần việc này phải làm 3 lần lận đó bạn, mới ra được giấy quỳ giống cho công đoạn dát vàng ở sau. Đây cũng là công đoạn quan trọng, trong quá trình đập mà thấy tờ nào bị rách là phải lấy ra liền không thì sau này vàng sẽ bị vỡ vụn hoặc dày mỏng không đều xấu lắm!

4.  Đánh quỳ:

Trước tiên phải nấu chảy vàng, đổ khuôn thành từng thỏi, đặt lên đe để thợ đập cán dài ra, rồi cắt vàng thành từng đoạn nhỏ gọi là miếng diệp. Đặt miếng diệp này vào xấp quỳ đã làm xong ở trên, quấn lại thật chặt bằng một loại vải diềm bâu, xong, đặt lên đe để… đập tiếp. Người ta lấy búa đập lên quỳ cho đến khi nào mảnh vàng được dát mỏng đều ra bằng bốn cạnh của xấp giấy quỳ thì ngưng.

Chưa hết đâu nha, ngưng để cắt mảnh vàng mỏng này ra thành 12 miếng nhỏ nữa và tiếp tục công việc… đập quỳ. Một người thợ giỏi, tay nghề cao có thể dàn mỏng một chỉ vàng thành gần 1.000 lá có diện tích 2m2, khó có công nghệ nào trên thế giới có thể làm được vậy lắm đó. Nghe xịn quá ha bạn!

5. Thu thành phẩm :

Phù, chúng ta sắp xong rồi. Công đoạn cuối cùng quan trọng lắm nhé, vì vàng lúc này mỏng ơi là mỏng, hắt hơi một cái là nó thành bụi văng tứ lung tung luôn đấy, nên người thợ phải vào một căn phòng thật kín gió này, rồi phải xoa phấn rôm lên tay nữa này, sau đó mới thật cẩn thận dùng đồ nghề chuyên dụng nhẹ nhàng gỡ từng lớp quỳ vàng ra. Tèn tén ten, chúng ta đã có thành phẩm rồi đấy!

Nhưng rồi quỳ vàng mỏng ơi là mỏng ấy làm sao mà dát lên tượng hay các vật dụng khác được nhỉ? Hihi, bạn có nghe câu “sơn son thếp vàng” không? Chính nhờ những quỳ vàng này làm nguyên liệu mà người xưa đã tạo nên những đồ vật quý, thường dùng trong cung, trong các điện thờ, những nơi linh thiêng đó bạn à. Đầu tiên, người ta sơn vài ba lớp sơn đỏ theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, rồi sau đó mới thếp vàng lên đấy. Khi đó, người thợ dùng chiếc bay làm từ xương hoặc mảng tre vát mỏng để dát vàng lên các sản phẩm, còn hoạ sĩ thì dùng bút vẽ với dầu sơn chấm vào vàng quỳ để vẽ lên tranh sơn mài. Xem đẹp không này:

Woa, cực đẹp và công phu quá bạn nhỉ, mà toàn làm bằng tay cơ đấy, ngưỡng mộ các làng nghề quá đi!

Mời các bạn đón đọc Thần Đồng Mỹ Thuật 36: Tượng vàng mất cắp để hiểu rõ hơn nhé!

Categories: Cửa sổ hội họa | Tags: , , , | Leave a comment

Post navigation

Leave a comment

Blog at WordPress.com.