Thư viện toán học

Bài tập về nhà ư? Không sợ?

Hẳn cụm từ “bài tập về nhà” không còn xa lạ gì với chúng mình nữa ha. Không  những thế đôi khi nó còn chính là nỗi ám ảnh thường trực nữa. Làm sao để “giải quyết” chúng một cách hiệu quả mà gọn lẹ đây. Có vài bí quyết nho nhỏ dành cho bạn nè!

Tối kỵ là “ngâm” bài tập quá lâu, bởi lúc đó lời cô giảng đã bị rơi rớt đi đâu một ít, nên bạn phải nhọc sức, mất thời gian ngồi giở công thức, nghiền ngẫm, nhớ lại những gì cô đã dạy, hic. Hãy làm bài tập liền liền vào buổi tối sau một ngày “nạp” kiến thức ở trường, vì mọi thứ lúc đó nằm trong đầu bạn hết rồi mà.

Trước khi làm bài tập, nên xem sơ qua lý thuyết và đặc biệt là các ví dụ về nhiều dạng bài cô đã giải trên lớp hoặc ví dụ mẫu trong sách.

Khi làm bài tập, bạn hãy làm đủ trình tự các bước, không được đi tắt về ngang nhé! Điều này không chỉ giúp bạn hệ thống lại kiến thức đã học mà còn giúp cô giáo có thể phát hiện những cái sai của bạn và sửa chữa cho bạn nữa đó.

Nếu bạn ăn phải trái “bí”, bạn đừng có đầu hàng vội. Tham khảo các dạng bài tập tương tự rồi tìm mối liên hệ với bài tập của mình, có thể bạn sẽ tìm được hướng giải quyết vấn đề đấy. Còn như nếu bí rì rị luôn, thì ngại gì mà không hỏi bạn bè, những người lớn xung quanh mình nè.

Ùi, một cách làm bài tập hiệu quả nữa là, rủ bạn bè cùng làm bài tập chung. Nhiều cái đầu suy nghĩ, chắc chắn hơn một cái đầu rồi đó. Hihi.  

Mời các bạn đón đọc Thần Đồng Toán Học 14: Thầy lang thách đố để cùng nhau giải đáp những câu hỏi khó nhé!

Categories: Thư viện toán học | Leave a comment

Toán học LOGIC

Hẳn là bạn đã có nghe đâu đó về thuật ngữ logic, nhưng logic là gì? Toán học logic có gì thú vị? Thì đây, bật mí nè!

Logic là một môn học thiên về suy luận đó bạn. Nhưng không phải muốn suy sao thì suy đâu nha, mà phải là những suy luận có căn cứ, hợp lý.

Ví dụ:         Cái bánh A bằng cái bánh B

                 Cái bánh B bằng cái bánh C

Vậy suy ra: Cái bánh A bằng cái bánh C (quá hợp lý phải không nè? Hihi)

Đó là một ví dụ đơn giản nhất của suy luận logic. Vậy bạn đã hình dung ra toán học logic là như thế nào chưa? Những bài toán khi giải mà không cần dùng đến các phép toán, chỉ dựa vào những lập luận hợp lý rồi suy ra ket quả cuối cùng nó đó.

Để giải những bài toán dạng suy luận logic, bạn phải có óc phán đoán nhanh nhạy, khả năng suy xét, lập luận sắc sảo và một trí nhớ tốt. Bởi trong một bài toán logic, có rất nhiều trường hợp để bạn suy luận và diễn giải, nếu bạn không có đủ những tố chất trên thì mọi suy luận của bạn sẽ trở thành… suy diễn, hic.

Muốn giỏi môn suy luận, bạn hãy chăm chỉ đọc sách để trang bị cho mình một số vốn từ vựng kha khá (khi đó, những tầng nghĩa ẩn sâu trong bài toán sẽ được bạn hóa giải một cách dễ dàng). Bạn cũng đừng ngần ngại đặt những câu hỏi ngược, hoặc đưa ra những lập luận phản bác lại một vấn đề nào đó.

À, các trò chơi cần vận dụng sự linh hoạt của bộ não như chơi ô chữ, chơi cờ vua… đều rất hữu ích trong việc rèn luyện trí nhớ đấy.

Mời các bạn đón đọc Thần Đồng Toán Học 13: Mưu kế sang sông để hiểu rõ hơn về toán học LOGIC nha.

Categories: Thư viện toán học | Leave a comment

Lai lịch của PHÂN SỐ

Các bạn biết không, thuở xưa người nguyên thủy đếm một con bò, hai con bò,… bằng cách thả một viên sỏi, hai viên sỏi… vào trong chiếc túi bởi vì lúc này dãy số tự nhiên (1, 2, 3, 4, …) chưa xuất hiện.

Đến khi dãy số tự nhiên xuất hiện thì con người lại phát hiện ra họ cần đếm những thứ phức tạp hơn mà số tự nhiên không đáp ứng được. Ví dụ họ chia một miếng thịt to ra làm bốn miếng nhỏ đều nhau, thì phải gọi thế nào để phân biệt một miếng thịt nhỏ và một miếng thịt to chứ?

Rất đơn giản, họ cần nghĩ ra các loại số mới để giải bài toán này chứ sao nữa. Cuối cùng, họ đã tìm ra một trong các cách đếm, đó là dùng phân số đấy các bạn ạ.

Khái niệm phân số đầu tiên xuất hiện vào thời kì Babylon cổ đại. Người Babylon bấy giờ đã hình thành cách gọi “phần” khi chia chác, trao đổi hàng hóa, thực phẩm… Miếng thịt nhỏ của người nguyên thủy trên kia được hiểu là “một phần của bốn miếng thịt lớn” nên được đếm là “một phần tư”. Nhưng vào thời kì này, các phân số được biểu diễn bằng chữ chứ không phải bằng số như hiện nay, hihi. Thế nên, 1/4 sẽ được người Babylon viết ra là một phần tư.

Nhưng cứ viết các phân số bằng chữ mãi thật bất tiện và dài dòng nữa chứ. Vậy là người Hindu đã quyết định “cải tổ” chữ thành số. Và cách viết phân số với tử số ở trên, mẫu số ở dưới đầu tiên xuất hiện. Trong đó, công lao lớn thuộc về hai nhà toán học vĩ đại Brahmagupta và Bhaskara. Tuy nhiên, giữa tử số và mẫu số của phân số lại chưa có dấu gạch ngang, hihi.

Trong toán học Ai Cập và Hy Lạp cổ đại, các phân số không thể hiện tử số. Các tử số lúc ấy được ngầm hiểu là 1. Và gạch phân số (ngăn cách tử số và mẫu số) được biểu hiện bằng một dấu gạch ngang trên đầu hoặc gạch chéo bên phải của mẫu số thôi hà. (Ví dụ: 1/6 thì được viết là  6 hay 6/).

Ái chà, phải đợi đến khi người Ả rập bắt tay vào nghiên cứu thì dấu gạch ngang của phân số mới xuất hiện. Họ gọi dấu gạch ngang là vinculum. Về sau, nhà toán học Fibonicci (1775 – 1250) – người đầu tiên sử dụng dấu gạch ngang trong phân số – đã đổi tên dấu gạch ngang là virga, trong tiếng Việt gọi là phần (ví dụ: 4/3, đọc là  4 phần 3).

Tuy nhiên, anh bạn “gạch ngang” của chúng ta do chiếm quá nhiều diện tích trong văn bản, lại khó sử dụng trong in ấn nên đã bị con người tìm cách thay thế, hic. Vào những năm 1700, dấu gạch chéo ra đời. Dấu gạch chéo được sử dụng sớm nhất trong tài liệu viết tay Ledger (1718) của Thomas Twining, trong đó liệt kê các giao dịch trà và cà phê, như: 1/4 pound trà xanh…

Thế là ta đã có hai ký hiệu dùng để ngăn cách tử số và mẫu số của một phân số rồi phải không. Ngoài dấu gạch ngang (–), dấu gạch chéo (/), đố bạn biết còn kí hiệu nào nữa? Hì hì, chính là “dấu chia” (÷) đó Kí hiệu này có tên là obelus. Nó rất quen thuộc với nhiều người vì obelus xuất hiện trên máy tính để chỉ phép chia và phân số (hoặc đôi khi nó chỉ thể hiện phép chia không thôi).

Chà, không ngờ cậu bạn “phân số” lại có một lai lịch “hoành tráng” đến thế, các bạn nhỉ?

Hãy đọc Thần đồng toán học 19: Mật thư bí ẩn để biết thêm về Phân số nhé!

Categories: Thư viện toán học | Leave a comment

Ngộ nghĩnh PHÉP NHÂN

Có rất nhiều cách nhân hay ho và ngộ nghĩnh lắm, không giống như tụi mình vẫn học đâu! Bạn muốn biết không?

Phép nhân với 9

Bạn đã bao giờ làm phép tính nhân bằng tay chưa. Thử xem nhé!

–  Xòe hai bàn tay trước mặt với các ngón tay duỗi ra.

–  Nếu bạn muốn làm phép tính 9 x 3, gập ngón tay thứ ba của tính từ trái sang. Bây giờ, bạn hãy nhìn xem, bên trái ngón tay thứ ba sẽ có 2 ngón tay thẳng và bên phải ngón tay đang gập xuống có 7 ngón thẳng đúng không nào?

–  Vậy thì 27 sẽ là đáp án của phép nhân 9 x 3.

–  Nếu bạn muốn nhân 4 thì gập ngón tay thứ 4, nhân 5 thì gập ngón tay thứ 5… từ trái qua rồi tính theo cách trên, bạn sẽ được kết quả thật chính xác như bảng cửu chương ấy, hihi.

Một bí mật nhỏ của phép nhân với 9 nữa, là tổng của hai số trong phần đáp số luôn bằng 9. Ví dụ, 9 x 5 = 45 thì 4 + 5 = 9 (Ngoại trừ 9 x 11 = 99 đấy nhé).

Phép nhân với 4

– Đầu tiên, bạn gấp đôi số đó lên. Ví dụ: 4 x 3 thì ta sẽ nhân đôi 3 (3 x 2 = 6)

– Sau đó bạn gấp đôi kết quả ấy thêm lần nữa (tức 6 nhân đôi: 6 x 2 = 12)

Phép nhân cho 11

– Chỉ áp dụng quy tắc này khi nhân 2 số mà thôi.

– Ví dụ: 11 x 18. Đặt khoảng trắng giữa số 1 và số 8. 1—8. Cộng 8 với 1, rồi đặt kết quả vào giữa: 198.

Vài điều thú vị nho nhỏ với phép nhân, hẹn bạn kỳ sau với các phép chia cũng thú vị không kém nhé!

Hãy đọc Thần đồng toán học 18: Bữa ăn nhớ đời để biết thêm về Phép nhân nhé!

Categories: Thư viện toán học | Leave a comment

Để có một TRÍ NÃO khỏe

Để đối phó với các bài toán, bạn cần có một trí não thật khoẻ, thật sáng suốt. Vậy làm sao để có một trí não khoẻ? Đây, một số bài “tập thể dục” đặc biệt dành cho trí não nè!

1. Quan sát:

Thói quen quan sát sẽ giúp trí não bạn ghi nhớ và phân tích sự việc hiện tượng. Bạn sẽ nắm bắt vấn đề nhanh hơn đấy.

2. Nghe:

Nghe nhạc là một thói quen rất chi hữu ích, giúp tăng cường việc trao đổi chất trong tế bào não, giúp trí óc thông minh hơn.

3. Nghĩ:

Có ai giả toán mà không cần suy nghĩ không nhỉ? Càng để não hoạt động nhiều, não sẽ không bị “già” sớm.

4. Đọc:                                                                   

Sách, báo là nguồn tri thức khổng lồ để bạn học hỏi đấy. Tuy nhiên phải chọn sách phù hợp để đọc chứ không phải bạ gì đọc đó đâu nhen.

5. Nói:

Giao tiếp khiến não có cơ hội tư duy, tổng hợp thông tin để trình bày cho người đối diện biết. Điều này sẽ giúp bạn phát huy được kỹ năng phân tích và xử lý vấn đề.

6. Ăn uống:

Vitamin C, thức ăn giàu đạm, rau quả tươi, đậu, các loại thịt nạc, cá… đều rất cần thiết giúp não mạnh khỏe, minh mẫn.

7. Ngủ:

Ngủ đủ giấc để não phục hồi sau một ngày làm việc mệt mỏi. Nhưng cũng không được ngủ quá nhiều, não sẽ đâm ra lười biếng, thức hoài hổng dậy thì khổ à!

8. Chơi:

Tham gia các hoạt động ngoài trời, các hoạt động nghệ thuật  (vẽ, đàn, hát…), tâm hồn sẽ thoải mái, hưng phấn, não hoạt động hiệu quả hơn.

Bạn nhớ “tập thể dục” cho não đầy đủ các “món” trên đây nha!

Hãy đọc Thần đồng toán học 17: Nhi nữ tranh trài để biết cách làm sao có một Trí não khỏe nha!

Categories: Thư viện toán học | Leave a comment

HỌC TOÁN mang lại lợi ích gì?

Dĩ  nhiên là các kỹ năng tính toán rồi, cần gì phải thắc mắc nữa nhỉ? Hihi, nhưng ngoài điều hiển nhiên ấy, toán học còn mang đến cho chúng ta những kỹ năng không thể ngờ tới.

Kỹ năng phân tích

Có phải chúng ta luôn phân tích đề bài trước khi giải toán không nào? Khi bạn có kỹ năng phân tích tốt trong toán học thì tự nhiên bạn cũng sẽ có kỹ năng phân tích trước bất cứ vấn đề gì. Và những phân tích của bạn sẽ luôn làm người nghe thấy rất hợp lý và chỉ biết gật gù mà thôi. Hihi. Nhưng để phân tích tốt thì bạn cần phải:

1. Suy nghĩ mạch lạc: Bạn phải thông hiểu hết mọi thứ của bài toán rồi mới bắt tay vào giải chứ nhỉ? Chỉ cần lấn cấn chỗ nào chưa hiểu là đừng hòng tìm ra kết quả của bài toán.

2. Luôn để ý đến từng chi tiết: Muốn làm toán chính xác bắt buộc phải có sự sâu sát cao, và chớ bỏ sót số liệu hay gợi ý nào mà bài toán đưa ra nhé.

3. Kiểm soát được suy nghĩ, ý tưởng của mình: Đừng quá đi xa vấn đề. Hãy tập trung vào những việc thiết yếu nhất để có kết quả của bài toán.

4. Xây dựng những lý lẽ lô-gíc và chỉ ra nhưng lý lẽ phi lô-gíc: Những lập luận, lý lẽ trong toán học đều liên quan rất chặt chẽ với nhau. Tuy nhiên có những điều hợp lý và những điều bất hợp lý. Khả năng phán xét đúng – sai của bạn sẽ là chìa khóa giải quyết mọi vấn đề đấy.

Rèn luyện các kỹ năng nhỏ để trở thành một người luôn biết phân tích mọi bài toán, mọi sự việc. Bạn có thấy tuyệt không?

Phần trước, chúng ta đã thấy toán học giúp ta có kỹ năng phân tích tốt. Để xem kỳ này toán học sẽ mang đến cho ta những lợi ích thú vị nào nhé!

Kỹ năng giải quyết vấn đề

Một bài toán được phân tích cặn kẽ mà không có cách thức, giải pháp để tìm ra kết quả thì xem như bạn thất bại. Bởi vậy, càng tìm ra được nhiều phương pháp để xử lý bài toán, kỹ năng giải quyết vấn đề của bạn ngày càng nâng cao. Và chính kỹ năng này sẽ giúp bạn ứng phó với các tình huống khó xứ, hóc búa trong cuộc sống khi bạn gặp phải.

Những thói quen làm việc tốt

Một khi đã có niềm say mê với Toán học, bạn sẽ phải biết rèn cho mình những thói quen cần thiết:

1. Tỉ mỉ và chịu khó trong công việc

2. Luôn sắp xếp thời gian khoa học

3. Tự thân vận động, không phải đợi sự trợ giúp của người lớn

4. Biết cách làm việc theo nhóm

Những đức tính hữu ích

Hầu hết những người giỏi Toán, đều có một vài đức tính sau đây:

1. Tính quả quyết

2. Tính kiên trì

3. Tính sáng tạo

4. Sự tự tin

5. Tính thận trọng trong tư duy

Bạn thấy đó, nếu kết thân với Toán học, ta sẽ thu lượm đước biết bao kỹ năng, biết bao điều có ích cho bản thân. Vậy còn hông biết khều khều bạn Toán rồi cười thật tươi, nói với bạn ý là: chúng mình làm đôi bạn cùng tiến nhaaa!!!

Hãy đọc Thần đồng toán học 16: Phong pháo vô tình để biết thêm về lợi ích từ việc học Toán nhé!

Categories: Thư viện toán học | Leave a comment

Muốn học giỏi hãy tập GHI CHÚ

Ghi chú hiểu nôm na là ghi lại những kiến thức mình tìm tòi hay thu nhặt được trong quá trình học tập ngoài ngoài những gì có sẵn trong sách vở… để hiểu rõ vấn đề hơn, củng cố và làm giàu cho sự hiểu biết của mình hơn.

Bạn có thói quen ghi chú không?

Để việc ghi chú có hiệu quả, trước tiên bạn cần phải có “đồ nghề” đấy:

– Giấy ghi chú đủ màu (thường gọi là giấy Note, có bán ở nhà sách hoặc các cửa hành văn phòng phẩm)

– Hoặc một cuốn sổ nhỏ

– Bút chì

– Gôm (tẩy)

Thứ hai là bạn phải chăm chú nghe thầy cô giảng bài và nhận biết các “ám hiệu” thông báo sắp đến phần thông tin quan trọng, cần ghi chú. Thường thầy cô hay dùng những cụm từ mào đầu “hãy nhớ rằng…”, “điều quan trọng là…”, “đặc biệt là…”. Đôi khi, có những kiến thức bạn thấy trong sách không có nhưng thầy cô đề cập thì bạn lượm lặt, ghi lại luôn nha.

Ví dụ như đang học về hình bình hành, trong quá trình giảng thầy có nói rằng “hình vuông cũng là một hình bình hành đặc biệt” thì bạn nên ghi vào sổ tay, giấy note, thậm chí ghi bằng bút chì bên cạnh bài học của mình để làm vốn (chứ kiến thức này không có trong các định nghĩa, tính chất của hình bình hành đâu à).

Ngoài ra , không chỉ trên lớp mà khi bạn đọc sách báo, đọc truyện, xem tivi, có vấn đề gì hay ho liên quan đến bài học thì cũng nên ghi lại. Ví dụ như đọc TĐĐV TH, bạn cũng có thể ghi lại những kiến thức mà bạn tâm đắc vào một cuốn sổ tay mà, hihi.

Hãy tập cho mình một thói quen ghi chú mọi nơi, mọi lúc, bạn sẽ thấy nó thực sự hữu dụng cho việc nhớ bài, làm bài của mình. Bạn có thể ghi điểm cộng trong lòng thầy cô vì sự hiểu biết cặn kẽ và sâu sắc trong quá trình học tập nhớ những kiến thức từ ghi chú.

Ghi chú thế nào cho hiệu quả?

– Bạn phải có kỹ năng viết nhanh và viết tắt tốt thì mới mong ghi kịp những gì thầy cô nói trong lúc giảng.

– Không nên viết lan man, dài dòng khi ghi chú.

– Tự lập ra cho mình một hệ thống kí hiệu viết tắt riêng, ví dụ như: không = ko, khác = #, hình bình hành = hbh.

– Hệ thống lại những gì mình đã ghi chú để có cái nhìn cụ thể, rõ ràng hơn. Thường khi bạn ghi chú thì vớ được cái gì hay là ghi lại cái đó, tại sao những lúc rảnh rỗi, bạn không gom chúng lại theo từng chủ đề, theo trật tự lớp lang với những gạch đầu dòng rõ ràng hơn, thay các ký hiệu, chữ viết tắt bằng các từ ngữ?

– Đừng ghi chú cho đã đời xong rồi quăng chúng ở một cái kẹt nào đó. Nhớ lôi chúng ra, đọc tới đọc lui để các ghi chú trở thành kiến thức nằm trong đầu mình nhé!

Không chỉ riêng môn Toán. Mà các môn học khác, bạn cũng thử áp dụng phương pháp ghi chú này xem. Đảm bảo đôi khi bạn cũng không ngờ là tại sao mình biết nhiều quá vậy, hihi.

Hãy đọc Thần đồng toán học 15: Trận chiến đầu năm để biết thêm nhé!

Categories: Thư viện toán học | Tags: , | Leave a comment

Blog at WordPress.com.