Những bàn tay THÊU

Mũi kim khoan – nhặt, mũi kim lên xuống, sang trái qua phải… mũi kim mang theo đủ màu sắc để tạo nên những hình thù, họa tiết sống động, đẹp mắt. Mũi kim ấy là những mũi thêu tay đấy. Những họa tiết thêu thường được sử dụng trang trí trên các loại vải vóc, áo quần, khăn, yếm…

Nghề thêu có từ nơi đâu?

Ngay từ thế kỉ 1, người Việt đã biết dệt vải, may và thêu đơn giản các họa tiết chữ, bông hoa rất khéo léo. Đến thế kỷ 11 – 12, việc thêu thùa đã trở thành một nghề và các họa tiết  thêu đã trở nên phức tạp, tinh xảo hơn rất nhiều. Tuy nhiên chỉ đến cuối thế kỷ 17, nghề thêu mới trở nên đặc sắc và có những bước phát triển vượt bậc khi ta tiếp cận được với kỹ thuật thêu từ phương Bắc. Ấy chính là nhờ công lao của sứ thần Lê Công Hành. Khi đi sứ nhà Minh, với trí thông minh, sự khéo léo tỉ mẩn của mình ông đã học được cách thêu tay của người phương Bắc và mang những bí quyết ấy về truyền lại cho người dân Đại Việt. Lê Công Hành được mệnh danh ông tổ nghề thêu là vậy.

Lê Công Hành là người đã trực tiếp truyền dạy cho người dân ở làng Quất Động (thuộc tỉnh Hà Tây, nay là Hà Nội) những kỹ thuật thêu đẹp nhất, tinh xảo nhất. Qua bao đời, nghề thêu được truyền từ người này qua người khác, đời trước đến sau, làng Quất Động đã có rất nhiều nghệ nhân thêu tay nổi tiếng vào bậc nhất nước Nam. Nơi đây đã trở thành làng nghề truyền thống nên đến bây giờ cứ hễ nhắc tới nghề thêu là người ta nghĩ ngay đến Quất Động.

Và cứ tới ngày 12-6 âm lịch hàng năm, dân làng Quất Động lại tưng bừng xôn xao làm lễ giỗ tổ nghề thêu để tưởng nhớ công đức của Lê Công Hành.

Nghề thêu cũng lắm công phu 

Để thêu không khó nhưng để thêu đẹp thì không dễ chút nào. Người thợ thêu phải là người khéo tay, kiên nhẫn, tỉ mẫn từng li từng tí và quan trọng là phối hợp các màu sắc sao cho hài hòa, bắt mắt và sinh động như đời thực. Bởi một mảng thêu không chỉ có một màu mà có rất nhiều màu phối với nhau để tạo độ đậm nhạt. Một yếu tố cần thiết nữa của người thợ thêu là phải có sự tập trung cao độ (chỉ lệch một mũi thôi là tiêu tan sản phẩm liền, chưa kể đâm kim vô tay nữa nha, hihi).

Nếu muốn khăn gói đi học thêu, bạn cần chuẩn bị các vật dụng cần thiết sau:

– Kim thêu

– Khung thêu (bàn căng) nhiều cỡ, loại hình tròn tròn và hình chữ nhật

– Mẫu thêu

– Kéo, thước, bút lông, phấn mỡ

– Chỉ thêu đủ màu

– Vải thêu (vải trắng, sa tanh, lụa…)

Rồi, bây giờ thì mời bạn làm quen một số kiểu thêu cơ bản nào. Có 8 phương pháp từ dễ đến khó.

1. Thêu nối đầu: Nghĩa là thêu mũi chỉ sau nối vào đầu mũi chỉ trước, cứ như thế lập lại nhiều lần tạo thành từng hàng thêu. Mỗi mũi chỉ thêu dài không quá 5mm. Nếu họa tiết cong hay uốn lượn thì  phải thêu ngắn mũi để đường thêu không bị gãy. Các chi tiết như thảm cỏ, lá tre, lá trúc đều dùng mũi thêu này.

2. Thêu chăng chặn: Dùng chỉ giăng (chăng) lên một đoạn dài theo quy định rồi dùng kim lên xuống chặn sợi chỉ khác lên đó để giữ cho sợi chỉ vừa giăng không bị xê dịch. Muốn thêu mái ngói, nhụy hoa … thì dùng chăng chặn chéo. Chăng chặn cong để thêu mây trời sóng nước.

3. Thêu lướt vặn: Hay còn gọi “thêu thụt lùi”. Bắt đầu bằng mũi thêu dài chừng 5m/m, mũi thứ hai cắm sát vào nửa mũi thứ nhất và mũi thêu thứ ba cắm tiếp vào đuôi mũi thư nhất. Cách thêu đơn giản này dùng thêu nhánh cây, sống và cuống lá, nét chữ, đường viền…

4. Thêu bó bạt: Giống thêu lướt vặn, tuy nét thêu to và rộng hơn và linh hoạt từ phải chếch qua trái, từ trên chúc xuống dưới. Các mũi chỉ phải đều sát và mặt chỉ láng bóng không bị răng cưa.

5. Thêu đâm xô: Còn gọi là thêu trùm, thêu tràn. Khi thêu các mảng lớn với nhiều màu sắc thì dùng cách thêu này để tạo độ đậm nhạt và chiều sâu hợp lý. Cách thêu này rất đa dạng và phức tạp: thêu xô ngang, xô dọc, xô vát, xô tỏa, xô lượn; đâm xố trốn mũi, ấn mũi… 

6. Thêu đột: Muốn phối màu trong cùng một mũi chỉ thì dùng các này. Lấy 2 – 3 sợi màu chỉ khác nhau xe thành một sợi để thêu chèn hay đè lên một phần họa tiết đã thêu để điểm xuyết hay bổ sung cho mẫu thêu thêm phần sinh động.

7. Thêu sa hạt (thêu thắt gút): Quấn chỉ nhiều vòng trước đầu mũi kim đâm thẳng xuống nền vải và giữ cố định bằng cách lên kim tạo những gút thắt. Các hạt chỉ nhỏ này để đính vào nhụy hoa.

8. Thêu khoán vảy: Dùng để thể hiện lông và vảy các loài chim, cá. Đây là kỹ thuật rất khó đòi hỏi người làm nghề phải có một bàn tay điệu luyện và đường thêu phải thật sự tinh tế thì mới thêu được kỹ thuật này.

Thêu tay ngày nay không chỉ dùng để thêu các họa tiết để trang trí, làm đẹp trên áo quần, khăn,… mà đã phát triển thành “nghệ thuật tranh thêu” rất đặc sắc đấy bạn

Mời bạn đón đọc Thần Đồng Mỹ Thuật 31: Khó nhọc học thêu để biết thêm thông tin về nghề THÊU truyền thống của đất nước ta nhé!

Categories: Cửa sổ hội họa | Tags: , , | Leave a comment

Post navigation

Leave a comment

Blog at WordPress.com.